Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới cho thấy mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng 1,5% so với năm 2022, trong khi lượng khí thải tăng 2,1%. Đồng thời, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của năng lượng tái tạo đạt 14,6%, tăng 0,4% so với năm trước đó.
Nick Wayth - Giám đốc điều hành của Energy Institute - cho biết trong khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đang đạt đỉnh ở các nền kinh tế tiên tiến, sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống ở các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng.
Ông Wayth cho biết trong báo cáo: "Quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra chậm nhưng bức tranh tổng thể cho thấy tình sử dụng năng lượng đa dạng diễn ra trên các khu vực địa lý khác nhau (trên thế giới)".
Báo cáo cho thấy khu vực miền Nam Trái đất chiếm 56% tổng lượng tiêu thụ năng lượng với mức sử dụng tăng gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
(Ảnh: Fotolia)
Theo báo cáo, cho đến nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất - chiếm 56% tổng lượng tiêu thụ của thế giới. Trong khi đó, sản lượng than tiêu thụ của Ấn Độ lần đầu tiên vượt quá mức tiêu thụ của châu Âu và khu vực Bắc Mỹ cộng lại.
Ngược lại, tiêu thụ than ở châu Âu và Bắc Mỹ lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1965.
Tại Mỹ, mức tiêu thụ than đã giảm 17% và giảm một nửa trong thập kỷ qua.
Theo báo cáo, Trung Quốc và Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng lớn trong việc sử dụng khí đốt tự nhiên với mức tiêu thụ tăng 7%. Nhu cầu sử dụng khí đốt ở châu Âu giảm 7% khiến mức tiêu thụ khí đốt trên toàn cầu tương đối ổn định.
Trung Quốc đã thúc đẩy năng lượng tái tạo, chiếm 63% công suất gió và mặt trời mới trên toàn cầu.
Viện Energy Institute - đại diện cho ngành năng lượng toàn cầu - đã công bố báo cáo thường niên với sự hợp tác của các công ty tư vấn KPMG và Kearney kể từ năm 2023. Viện đã tiếp quản việc xuất bản báo cáo từ BP - tác giả của báo cáo này từ những năm 1950.